Việc tổ chức tốt Olympic Hóa học Quốc tế lần thứ 46 năm 2014 tại Việt Nam (viết tắt là IChO 2014) nhằm góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại, chủ trương hội nhập của Đảng và Nhà nước; tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới; Khích lệ, thúc đẩy phong trào học tập nói chung và phong trào học Hóa học nói riêng trong thanh, thiếu niên Việt Nam; góp phần thực hiện chiến lược nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài của Đảng và Nhà nước.
Thực hiện nghĩa vụ của mỗi nước tham dự IChO và thông lệ quốc tế trong việc tổ chức Hội nghị Liên đoàn thế giới về các kỳ thi Olympic Hóa học; Tăng cường mối quan hệ hữu nghị, giao lưu giữa thế hệ trẻ, cũng như các thầy cô giáo Hóa học giữa các nước, khích lệ sự hiểu biết và hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, quảng bá hình ảnh về đất nước, con người và nền văn hóa truyền thống lâu đời của Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế.
IChO 2014 được tổ chức với sự tham gia của khoảng 80 đoàn đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ được gửi giấy mời tham dự. Mỗi đoàn có 9 thành viên, gồm lãnh đạo đoàn, học sinh và quan sát viên. Thời gian tổ chức trong 10 ngày, dự kiến từ ngày 20/7 đến hết ngày 29/7/2014.
Năm 2012, đoàn học sinh Việt Nam giành 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng tại cuộc thi Olympic Hóa học lần thứ 44 tại Mỹ. Trong ảnh: Lãnh đạo Bộ GD-ĐT tặng bằng khen cho các học sinh đoạt giải.
Theo đề án, việc tổ chức IChO 2014 được tiến hành phù hợp với quy định của Quy chế IChO hiện hành; quy định của Hội đồng Olympic Hóa học Quốc tế đối với nước đăng cai tổ chức và pháp luật của Việt Nam. Việc tổ chức soạn thảo đề thi, coi thi, chấm thi, trao giải và thực hiện các thủ tục cần thiết của IChO 2014 được tiến hành theo quy định của Quy chế IChO và quy định của Hội đồng quốc tế đối với nước đăng cai tổ chức; tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên môn bảo đảm tiêu chuẩn, trình độ theo đúng quy định của Quy chế IChO.
Trong trường hợp cần thiết có thể thuê các chuyên gia Hóa học nước ngoài tham gia các công tác chuyên môn của IChO 2014 và ký kết hợp đồng thuê thư ký chuyên trách cho công tác tổ chức; tổ chức ăn, ở, đi lại cho các đoàn dự thi, chuẩn bị cơ sở vật chất, các dịch vụ kỹ thuật, công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động của IChO 2014...
Thí sinh thi hai ngày, một ngày thi lý thuyết và một ngày thi thực hành. Có ít nhất một ngày nghỉ giữa hai ngày thi. Đề thi lý thuyết gồm 06 đến 08 bài lý thuyết làm trong thời gian 5 giờ. Đề thi thực hành gồm 02 đến 03 bài thực hành và cũng làm trong 5 giờ. Lưu ý: bài thi thực hành Hóa học có nhiều điểm khác so với bài thi thực hành Vật lý: đòi hỏi chi tiết hơn về hóa chất, dụng cụ, trang thiết bị, điện nước, an toàn cháy nổ, độc hại, …;
Địa điểm thi lý thuyết là ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Thi thực hành tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Đề án này cũng cho biết, Olympic Hóa học quốc tế là một loại hình hoạt động đặc thù. Các hoạt động của IChO có nhiều khác biệt so với các hoạt động của Olympic thể thao, cũng như các hoạt động của một kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Đồng thời, IChO 2014 do Việt Nam đăng cai tổ chức lần này cũng có nhiều điểm khác biệt so với Olympic Toán học Quốc tế lần thứ 48 năm 2007 và Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 39 năm 2008 đã tổ chức tại Việt Nam. Vì thế, trong công tác tổ chức IChO có nhiều khoản chi, mức chi hoàn toàn chưa có tiền lệ trong công tác tài chính của Việt Nam.
Ban chỉ đạo quốc gia IChO 2014 do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm trưởng ban; Thứ trưởng Bộ GD-ĐT làm phó ban thường trực. Các phó trưởng ban gồm: Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục; Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Trung học; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -Tài chính, Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất và Thiết bị Trường học, đồ chơi trẻ em.
Lê Đức Thuận
(Theo Dân trí)