PV: Lời đầu tiên, thay mặt đội ngũ phóng viên Ams Wide Web, mình xin gửi lời chúc mừng sâu sắc nhất tới thành công của bạn và cảm ơn bạn đã dành thời gian để tham gia cuộc phỏng vấn này. Vậy lí do gì khiến bạn chọn Dartmouth làm điểm đến trong những năm đại học?
Thùy Linh (TL): Mình chọn Dartmouth vì mình thực sự muốn tìm một nơi tĩnh lặng cho thời gian học tập của mình. Mình muốn tỉnh dậy và nhìn thấy một không gian xanh mát rộng lớn thay vì những tòa nhà bê tông và đường phố náo nhiệt. Thêm nữa, số học sinh tại Dartmouth không quá lớn, nên cộng đồng sinh viên ở đây khá gắn bó với nhau, và kích cỡ lớp nhỏ giúp mình có thời gian giao tiếp với các giáo sư trên trường nhiều hơn.
Đương nhiên là mình không chọn Dartmouth chỉ vì địa điểm. Lí do chính quyết định nộp hồ sơ sớm là vì trường có hệ thống D-Plan cho phép mình chọn kì học ở nước ngoài. Mình có thể tận dụng cơ hội để khám phá văn hóa nghệ thuật trực tiếp tại các nước bản xứ thay vì ở một nơi suốt bốn năm đại học. Điều này hoàn hảo cho mình, vì mình đã bắt đầu học tiếng Đức từ đầu lớp 12 để có thể tìm hiểu nghệ thuật tại Đức và Áo
Vương Nguyễn Thùy Linh – học sinh lớp 12 Anh 1 khóa 15 – 18 (bên trái)
PV: Linh đã lựa chọn theo đuổi ngành học nào tại Dartmouth và lí do tại sao? Và bạn đã làm thế nào để tìm ra ngành phù hợp với bản thân?
TL: Mình chọn học hai ngành Studio Art và Linguistics, một sự kết hợp khá lạ. Studio Art thì mình đã quyết tâm học từ hồi đầu cấp hai, và ý định ban đầu của mình là theo đuổi art school (trường nghệ thuật) chứ không phải national university (đại học quốc gia). Khi lên cấp ba mình đã gạt giấc mơ học vẽ sang một bên để tập trung vào học tập và nộp hồ sơ đại học. Nhưng sau cùng giữa những áp lực học hành, mình lại tìm về nghệ thuật để làm chốn nghỉ ngơi như đam mê của bản thân. Về ngành nghiên cứu ngôn ngữ thì thật ra mình mới thích từ một năm trước, nhưng cũng đam mê không kém.
PV: Trong quá trình nộp hồ sơ, Linh nghĩ điều gì là trở ngại lớn nhất của mình và bạn đã vượt qua trở ngại đó như thế nào?
TL: Mình đã từng đánh mất đam mê của chính bản thân. Khoảng thời gian đầu lớp 12, thời gian sinh hoạt của mình rất hại cho sức khỏe. Mình phải dành vài ngày để định hình lại mọi thứ, nhận ra việc đi du học không phải là điều quan trọng nhất. Xung quanh ta vẫn còn gia đình, những người bạn. Ta không thể làm mất đi những yếu tố tạo nên con người mình được. Cuối cùng, phân bố cân bằng thời gian giữa việc học tập trên lớp, hoạt động ngoại khóa và chuẩn bị hồ sơ đóng vai trò quan trọng trong việc mình thành công. Ngoài ra, kĩ năng quản lí thời gian cũng là một kĩ năng rất quan trọng trong tương lai.
Thùy Linh trong hoạt động Advisor – Advisee, giúp đỡ các bạn trong việc học tập
PV: Đối với việc du học, một điều không thể thiếu là điểm chuẩn hóa. Bí quyết của Linh để đạt điểm chuẩn hóa cao là gì?
TL: Thật ra mình đã gặp rất nhiều khó khăn với SAT, nhất là toán SAT – phần mà đa phần mọi người thấy dễ. Toán là phần khiến mình phải thi lại khá nhiều lần.
Việc đạt điểm chuẩn hóa cao yêu cầu mình phải chăm chỉ và tìm đúng tài liệu để ôn luyện, đồng thời giữ trạng thái tâm lí thoải mái. Đợt thi cuối, mình lên kế hoạch ôn luyện khá rõ ràng, một ngày làm nhiều nhất là một đề và làm bài trong một khung thời gian nhất định để đảm bảo thời gian học tập trên trường. Về mặt tài liệu, mình chỉ làm những đề chính thức và làm bài tập trên trang web Khanacademy để chuẩn ý tưởng của người ra đề. Cũng là do bản thân may mắn gặp được thầy dạy cô rất giỏi nên điểm SAT của mình đã cải thiện rất nhiều.
PV: Bên cạnh điểm chuẩn hóa, các trường đại học còn yêu cầu bài luận cá nhân. Linh có thể chia sẻ một số kinh nghiệm về việc viết luận không?
TL: Theo mình thì không có một cách hay một phương hướng cụ thể nào cho bài luận cả, vì đó là câu chuyện của của mỗi cá nhân. Bạn có thể nói về bất cứ điều gì quan trọng với việc hình thành con người của mình. Lời khuyên duy nhất của mình là hãy là chính mình. Bài luận chính của mình là một sự kết hợp của nhiều chủ đề (gia đình, nghệ thuật, và nhận thức bản thân), và bài luận phụ của mình thì là về ảnh hưởng của thời kì Pháp thuộc tới Tiếng Việt, nên mình nghĩ mọi người cũng không cần phải áp lực về chọn một chủ đề nhất định.
Trước khi hoàn thành ý tưởng bài luận chính, mình giữ một quyển sổ tay ghi chép những thứ mình quan sát được và những kinh nghiệm trong quá khứ của mình. Việc viết liên tục giúp mình gợi nhớ lại những kỉ niệm có giá trị mà mình tưởng như đã quên như các kỉ niệm trên lớp với bạn bè thầy cô hay những khoảnh khắc bên gia đình. Ai cũng có một điều gì đó quan trọng giúp hình thành nhân cách và đam mê của mình. Hãy lên đường khám phá bản thân, và bạn sẽ ngạc nhiên về những gì tìm được.
Thùy Linh cùng các bạn trong ban điều hành tổ chức Hanoi Food Rescue (thứ 2 từ phải sang)
PV: Cuối cùng, Linh có điều gì muốn nhắn nhủ với các bạn đang có ý định du học trong tương lai không?
TL: Dù trong quá trình chuẩn bị hồ sơ có khó khăn như thế nào thì bên cạnh các em sẽ luôn có những người thân ủng hộ, cùng em vượt qua các thử thách đó. Hãy cố gắng hết sức mình, thể hiện tối đa khả năng qua hồ sơ. Hãy để cho các nhà tuyển sinh thấy em là một cá tính riêng biệt nhưng vẫn phù hợp với môi trường của họ. Dù kết quả hồ sơ có ra sao cũng nên nhớ giá trị của bản thân mỗi người không phụ thuộc vào kết quả nộp hồ sơ mà phụ thuộc vào môi trường, vào những người xung quanh ta. Đó mới là điều làm nên chính bản thân của em – một phiên bản chỉ có một không hai trên thế giới này.
PV: Cảm ơn Thùy Linh đã tham gia cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Chúc bạn gặt hái thêm được nhiều thành công trong tương lai !
PV: Hà Mi – Trung 1619
(Ảnh: NVCC)